Tôi gặp mối-tình-đầu của mình vào năm học lớp Năm. Bọn tôi ngồi
cùng bàn và cậu ấy tên là Tuấn. Tuấn thích tôi trước. Còn tôi, chỉ sau
khi biết có một đám kha khá bọn con gái trong lớp đang thầm để ý Tuấn
(cậu ấy khá đẹp trai) thì tim tôi mới chính thức rung rinh. Mẹ tôi quả
quyết đấy không phải tình yêu mà chỉ là phút háo thắng nhất thời. Bố thì
bảo rằng đó có lẽ là một cơn say nắng. Khái niệm “háo thắng nhất thời”
với “say nắng” với tôi khi ấy rất ư mông lung. Chỉ riêng cái cảm giác
được Tuấn quan tâm và bị cả đống con gái cùng lớp ganh tị mới thật rõ
nét. Bọn tôi thích nhau được đúng hơn một học kì thì… chia tay. Sang học
kì hai, Tuấn chuyển trường. Và bọn tôi mất dấu.
Đầu
năm lớp Mười, tôi gặp lại mối-tình-đầu. Tuấn đẹp trai của tôi ngày xưa
bây giờ như lột xác. Cậu ấy cao hơn, gầy hơn, tóc hung hung đỏ và mặt
thì lấm tấm mụn. Trong truyện cổ tích, hoàng tử bị ếm bùa thành cóc, nụ
hôn của tình yêu đích thực sẽ giúp hoàng tử hiện nguyên hình. Nhưng tôi
không nghĩ nụ hôn của mình có thể giúp Tuấn lấy lại vẻ rạng rỡ. Mẹ tôi
bảo bọn con trai dậy thì ai mà chẳng thế. Bố thì triết lý: “Quan trọng
nhất vẫn là vẻ đẹp bên trong, con ạ!”.
Tuấn vẫn nhận ra tôi, và
cậu ấy có vẻ vẫn thích tôi (hoặc là do tôi tưởng bở thế). Bọn tôi ngồi
cách nhau hai bàn nhưng Tuấn đã xin cô cho lên ngồi bàn trên, gần tôi
hơn một chút. Câu chuyện sẽ lãng mạn hơn nếu không có chuyện sau tháng
đầu tiên của học kì Một, tôi phát hiện ra Tuấn học Toán dở tệ, Lý bình
thường, Hóa tàm tạm. Chỉ riêng môn Thể dục là điểm cậu ấy cao nhất lớp.
Tôi không biết giấu nỗi thất vọng của mình đi đâu khi ngay trong giờ
kiểm tra Toán đầu tiên, Tuấn khều khều tay tôi, thì thào: “Ê, bà xích
tay ra cho tôi coi bài ké chút!”. À, đây mới là lý do chính để cậu ấy
xin lên ngồi gần tôi. Bố mẹ đã cố gắng nín cười khi tôi ấm ức kể lại câu
chuyện buổi sáng. Ước gì bọn tôi đừng gặp lại nhau, hoặc có gặp cũng
không nhận ra nhau, thì hay biết mấy.
Tôi giấu nhẹm chuyện bọn
tôi từng học cùng và từng thích nhau năm lớp Năm (kể với ai và để làm
gì?), cho đến khi kẻ thứ ba xuất hiện: cái Nhi, một trong mười đứa con
gái cùng lớp tôi năm xưa thích Tuấn, và (vấn đề là) khi ấy nó rất ghét
tôi. Cái Nhi học cùng trường nhưng khác lớp bọn tôi, lớp nó chẳng ở đâu
xa mà ở ngay bên cạnh. Không thể miêu tả hết vẻ ngạc nhiên của cái Nhi
khi nó tận mắt thấy Tuấn lẽo đẽo theo sau tôi vào giờ ra chơi sau tiết
hai. Nó đứng chôn chân ở hành lang, trỏ tay về phía hai đứa tôi, miệng
lắp bắp: “Ố…ối…i…dờ…iii… Bọn mày vẫn yêu nhau đến tận bây giờ đó hả?”.
Hơn
một nửa lớp quay lại nhìn bọn tôi. Tuấn nhận ngay ra cái Nhi và nở nụ
cười rất tươi. Còn mặt tôi méo xệch. Bọn tôi chính thức được vinh danh
“thanh mai trúc mã” kể từ buổi ra chơi định mệnh ấy. Tất cả là lỗi của
cái Nhi. Lỗi to nữa là đằng khác. Tôi đã rất vất vả để giải thích với nó
rằng chuyện ngày xưa qua rồi, bây giờ mọi thứ đã khác (chính xác là
Tuấn bây giờ đã khác); rằng tình yêu Chupa Chups chỉ là phút “háo thắng”
với “say nắng” nhất thời (hai khái niệm này bây giờ tôi đã hiểu). Mặt
cái Nhi đơ ra, mất mấy giây sau nó mới thỏ thẻ: “Thế à? Nhưng tao thấy
bọn mày vẫn “quấn” nhau lắm. “Tình cũ không rủ cũng tới”, mày chưa nghe
thấy ai nói câu đó bao giờ à?”. Lần này thì đến lượt tôi đơ mặt ra. Nói
thẳng toẹt ra với cái Nhi sự thật thì bẽ mặt. Mà không nói thì nó cứ
tưởng bọn tôi “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Tôi không hề có ý
định sẽ sống với quá khứ tươi đẹp ấy suốt ba năm học sắp tới, với Tuấn
phiên bản bị “xuống cấp” nặng nề. Và tôi giật mình khi cái Nhi đi thẳng
vào đúng vấn đề tôi đang nghĩ tới:
-Mà tao nói thật mày đừng buồn. Tuấn bây giờ nhìn “tã” nhỉ
-Đâu?
Tao thấy cậu ấy vẫn vậy mà. Bọn con trai dậy thì í mà, mặt ai mà chẳng
mọc mụn. – Tôi lặp lại lời nhận xét của mẹ như một cái máy.
-Thế à? – Cái Nhi nhìn tôi hoài nghi.
-Với lại, quan trọng nhất vẫn là vẻ đẹp bên trong, mày ạ. – Tôi lặp lại lời an ủi của bố như một con vẹt.
-Đấy! Thế mà bảo “Không còn là gì của nhau”. – Cái Nhi lườm tôi.
Thế là toi cơm.
Tôi
sống chung với tin đồn “thanh mai trúc mã” loan ra từ miệng cái Nhi
được hai tháng thì chuyện bắt đầu lắng xuống, ơn trời. Mọi thứ cũng có
vẻ sáng sủa dần lên khi cô chủ nhiệm yêu cầu cả lớp đổi chỗ theo sơ đồ
mới. Tuấn ở cuối dãy bên kia, tôi ở đầu dãy bên này. Tôi hoàn toàn hài
lòng với khoảng cách xa xôi lý tưởng ấy, nhưng Tuấn thì không. Cậu ấy
năn nỉ cô cho chuyển lên khu bàn đầu ngồi vì mắt cận. Và xui rủi thế
nào, cô (lại) gật đầu dễ dãi. Tuấn ngồi ngay trước bàn tôi. Thay vì chỉ
bị khều tay trong mấy tiết kiểm tra, bây giờ, tôi phải chiêm ngưỡng
nguyên quả mặt lấm tấm mụn của cậu ấy.
Tuấn sẽ tiếp tục là “món
quà thảm họa” của thần Cupid nếu không có một buổi sáng đẹp trời, chân
tôi bị trật khớp khi tôi đang gồng sức vượt qua nốt chặng đường cuối của
bài kiểm tra chạy xa. Giữa hàng trăm con mắt đang xớn xác vì hoảng
loạn, Tuấn – rất bình tĩnh – chạy tới bế tôi lên rồi ba chân bốn cẳng
lao tới phòng y tế. Cô nhân viên trực phòng y tế đi vắng. Thầy Thể dục
lo lắng hỏi cả lớp: “Có em nào biết… nắn khớp chân không?”. Câu hỏi có
sức gây ám ảnh mạnh tới mức tôi mém lả đi vì hãi. Tuấn hô mọi người tản
ra để tôi có không khí thở. Đoạn, cậu ấy ngồi thụp xuống, nhẹ nhàng đặt
chân trái tôi lên đùi, nhanh tay vặn ngoéo. Tôi hét váng lên. Nhưng ngay
sau đó là một cảm giác dễ chịu kinh khủng. Tuấn xoa xoa bàn chân tôi,
hỏi đi hỏi lại: “Thế nào? Ổn không?”. Tôi gật đầu rối rít. Cả lớp xì xà
xì xồ, đứa khen Tuấn mát tay, đứa bảo tôi tốt phước có được anh chàng
người yêu thật là… tốt bụng. Lúc ấy, chả còn cảm giác uất ức hay khó
chịu, tôi thấy lòng mình nhẹ tênh. Ôi, cao gầy thì đã sao, tóc hung thì
đã sao, mặt mụn thì đã sao? Có nắn được khớp chân hay không mới là điều
quan trọng.
“Yên tâm đi. Rồi một ngày nào đó, bọn nó sẽ thôi
không nghĩ tụi mình là một cặp, cho đến khi bà hoặc tôi tìm ra được một
nửa thực sự của mình”
Sau vụ giải cứu rùm beng ấy, tôi bắt đầu
nhìn Tuấn bằng một ánh mắt khác. Không phải ánh mắt của kẻ bị nạn dành
cho ân nhân, mà là ánh mắt có thể soi thấu “vẻ đẹp bên trong” của một
cựu nhan sắc đã từng làm rung động trái tim hàng chục cô nhóc nhi đồng.
Tôi trả ơn Tuấn bằng cách ném cho cậu ấy bộ sách bồi dưỡng Toán, Lý, Hóa
cùng lịch phụ đạo miễn phí thay vì chỉ bài giúp cậu ấy vượt qua mấy bài
kiểm tra. Tôi cũng chăm chỉ tham khảo thông tin trên mạng để tổng hợp
thực đơn dành cho trẻ vị thành niên bị còi xương rồi in ra, lén kẹp vào
cuốn tập Sinh của Tuấn. Tuấn đã không làm tôi thất vọng. Cậu ấy kiên
quyết không quay xuống xem ké bài tôi dù đã vò đầu bứt tai mất phân nửa
thời gian kiểm tra mà vẫn chưa tìm ra được đáp án. Sau hai tháng chăm
chỉ tập thể hình, Tuấn hỉ hả quay xuống bàn tôi, vạch tay áo khoe chuột
con chuột mẹ: “Bây giờ bà có trật chân nữa tôi cũng bưng nhẹ nhàng. Lần
trước á, xém tí hụt hơi”. Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện cho bố nghe, và
bố chốt hạ: “Bọn con trai dù có lớn bao nhiêu cũng thành trẻ con trước
mặt cô gái mà nó yêu quý”. Giây phút được nghe lời tuyên bố chắc nịch
ấy, tôi bỗng thấy mình thật quan trọng, rất ra dáng một bà chị gái, à,
một cô bạn gái có tầm ảnh hưởng nhất định đến sự nghiệp học hành và chỉ
số BMI của Tuấn. Lớp đã thôi không gán ghép bọn tôi là một cặp. Bọn nó
chuyển sang… ngưỡng mộ “tình yêu” của bọn tôi. Biết có thanh minh cũng
chẳng giải quyết được gì, tôi mặc kệ mọi thứ. Tuấn vỗ vai tôi:
-Yên
tâm đi. Rồi một ngày nào đó, bọn nó sẽ thôi không nghĩ tụi mình là một
cặp, cho đến khi bà hoặc tôi tìm ra được một nửa thực sự của mình.
-Hóa ra ông cũng cùng tâm trạng?
-Ừ. Bà bây giờ khác bà ngày xưa bỏ xừ. Tôi nhớ ngày xưa dáng bà thanh mảnh lắm, tóc đen mượt mà lắm…
Tôi chết đứng. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt Tuấn. Trong tích tắc, tôi thấy mình bị hạ giá thê thảm.
-Chúng ta đều thay đổi còn gì. – Giọng tôi yếu ớt.
-Hồi đó bà nhát hít, giờ cứng cỏi hơn nhiều rồi. Con gái nhút nhát quá cũng không tốt đâu.
-Vậy á? Thế sao hồi đó ông còn thích tôi?
-Chả biết! – Tuấn rụt cổ cười.
Tôi cũng lỏn lẻn cười, tự thấy mình đỡ… ngượng.
-Còn bà, tại sao hồi đó bà lại thích tôi? – Tuấn hỏi ngược
-Thì… à… Tại vì ông dễ thương nhất lớp.
Tuấn thôi không nói gì. Chúng tôi cùng im lặng. Một lúc sau, Tuấn đẩy nhẹ vai tôi, nói:
-Nếu
được quay trở lại năm lớp Năm í, có lẽ tôi vẫn chọn thích bà. Vì bà là
đứa con gái duy nhất không biết vui giả vờ, buồn giả vờ hay làm trò để
gây sự chú ý.
-Ông cũng ghê gớm thật!
-Bọn con trai trông tồ tẹt thế thôi chứ con mắt tinh tường hơn các bà nhiều lắm!
Tôi cười phá lên. Chợt nhớ tới lời của bố, tôi nhìn thẳng vào mắt Tuấn, hỏi:
-Trả lời thật nhé, có phải bọn con trai các ông dù có lớn bao nhiêu cũng thành trẻ con trước cô gái mà mình yêu quý?
-Ừ.
-Trẻ con như thế nào?
-Như
thế này này… – Tuấn phủi đít đứng dậy, bắt chéo tay nhảy Gangnam Style
ngay trước mặt tôi, nhìn hài tới mức tôi không thể nhịn được cười.
Bố
tôi nói đúng. Không có gì phải hụt hẫng hay thất vọng khi “người năm
xưa” đã không còn là người-của-năm-xưa nữa. Vì ai cũng phải lớn lên. Cảm
xúc có thể thay đổi, tốt hơn hoặc tệ đi, nhưng lỗi thì chẳng thuộc về
ai cả.
Bố tôi nói đúng. Không có gì phải hụt hẫng hay thất vọng
khi “người năm xưa” đã không còn là người-của-năm-xưa nữa. Vì ai cũng
phải lớn lên. Cảm xúc có thể thay đổi, tốt hơn hoặc tệ đi, nhưng lỗi thì
chẳng thuộc về ai cả.
Lúc giúp tôi dắt xe ra khỏi cổng trường, Tuấn bất ngờ quay lại hỏi tôi:
-Bà không thất vọng khi gặp lại tôi chứ?
-Có. À, lúc đầu thì có một chút. Bây giờ thì… không!
Tuấn cười.
Thề
có cây bàng trên đầu và đống gạch men dưới đất, lúc ấy, tôi thấy mình
váng vất, dù cảm giác ấy vụt qua rất nhanh. Có khi nào… có khi nào mọi
chuyện xảy ra đúng như lời cái Nhi nói không nhỉ? Là “Tình cũ không rủ
cũng tới” í.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét